Top down bottom up là thuật ngữ chỉ hai chiến lược đầu tư được sử dụng phổ biến hiện nay. Hai phương pháp sở hữu hai lối tư duy và cách tiếp cận, chọn lựa đối tượng đầu tư khác nhau đồng nghĩa với việc phù hợp với mục đích khác nhau của những nhà đầu tư. Top-down Bottom-up có đặc điểm gì và phù hợp với đối tượng nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Chiến lược top down bottom up là gì?
Top down bottom up là khái niệm chỉ 2 chiến lược khác nhau, đó là top down và bottom up.
Chiến lược Top-down
Khái niệm
Top-down là chiến lược đầu tư từ trên xuống. Phương pháp phân tích này bắt đầu bằng việc xem xét từ tình hình thị trường tổng thể và kinh tế vĩ mô rồi mới đến các yếu tố thấp hơn như thực trạng từng ngành, tiềm lực doanh nghiệp và cuối cùng là kỹ thuật để đưa ra quyết định đầu tư.
Để thực hiện chiến lược này, đầu tiên các nhà đầu tư sẽ bắt đầu xem xét các điều kiện kinh tế vĩ mô. Sau đó xét đến tình hình phát triển của từng ngành, phân tích các công ty để tìm ra doanh nghiệp có khả năng hoạt động tốt hơn và cuối cùng là đi sâu vào kỹ thuật để tạo ra hiệu quả đầu tư.
Đặc điểm
Trọng điểm của phương pháp Top down là những yếu tố kinh tế vĩ mô và các yếu tố cấp độ ngành. Những nhà đầu tư lựa chọn phương pháp này tin rằng một ngành hoạt động tốt có thể những cổ phiếu trong ngành đó cũng có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều lợi nhuận.
Những yếu tố được nhà đầu tư Top-down chú trọng bao gồm:
- Những yếu tố vĩ mô như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hay khả năng tăng trưởng kinh tế, biến động của dòng tiền, cán cân thương mại và các khía cạnh khác của nền kinh tế.
- Phân tích nền kinh tế vĩ mô để xác định ngành hoặc lĩnh vực có triển vọng phát triển và đem lại lợi nhuận.
- Các công ty thuộc ngành có tiềm năng phát triển sẽ đem đến cơ hội lớn hơn cho công cuộc đầu tư.
- Phương pháp này thường được sử dụng bởi các nhà đầu tư ngắn hạn. Bởi cách đầu tư này giúp họ tìm thấy những cơ hội thu lợi từ biến động thị trường và xảy ra dựa trên các yếu tố nằm ngoài công ty.
Ưu điểm
Chiến lược Top down mang đến cho nhà đầu tư cái nhìn toàn cảnh về thị trường, hiểu biết sâu rộng về nhiều khía cạnh và không bị tác động bởi sự vận động phức tạp của dòng tiền ngắn hạn. Hướng tiếp cận từ trên xuống giúp các nhà đầu tư giữ được sự tập trung và nhất quán khi tìm kiếm các cơ hội.
Nhược điểm
Tuy nhiên, góc nhìn từ trên xuống thường khiến nhà đầu tư đưa ra ý kiến chủ quan, thậm chí có phần bảo thủ trong nhận định. Ngoài ra, để phân tích các yếu tố vĩ mô thì nhà đầu tư cần rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng để bao quát thị trường cũng như có tầm nhìn xa trông rộng để nhận định toàn cảnh nền kinh tế.
Chiến lược Bottom-up
Khái niệm
Ngược lại với Top-down, Bottom-up là phương pháp đầu tư từ dưới lên, được tiến hành dựa trên việc tiếp cận đối tượng đầu tư từ những chỉ số cơ bản và định tính, chọn lọc sau đó mới tìm hiểu câu chuyện hay tiềm lực phía sau. Phương pháp này thường ít chú ý đến các xu hướng hay chu kỳ thị trường.
Theo tiến trình đó, nhà đầu tư Bottom-up sẽ tập trung tìm kiếm các công ty hoặc cổ phiếu cho thấy khả năng hoạt động tốt hơn so với những đơn vị cùng ngành. Sau đó tìm hiểu và đánh giá khả năng cũng như nguyên nhân của sự hoạt động tốt đó. Các nhà đầu tư lựa chọn phương pháp đầu tư từ dưới lên thường ít xem xét đến các điều kiện thị trường, thực trạng toàn ngành cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Đặc điểm
Nếu đầu tư từ trên xuống là cách nhà đầu tư đánh giá yếu tố kinh tế vĩ mô thì khi sử dụng phương pháp đầu tư từ dưới lên, yếu tố kinh tế vi mô buộc phải trở thành mối quan tâm hàng đầu.
Những yếu tố như tình hình tài chính công ty, phân tích báo cáo tài chính, sản phẩm và dịch vụ, cung cầu và những chỉ báo hoạt động khác là những điều mà nhà đầu tư sẽ đặc biệt lưu ý. Họ cho rằng một công ty hoạt động tốt chứng tỏ được sức mạnh và tiềm lực đầu tư của nó không có nghĩa tất cả các công ty khác cùng ngành cũng vậy, họ sẽ là người tìm ra ngôi sao sáng nhất trong một lĩnh vực nào đó.
Nên chọn Top-down hay Bottom-up
Như đã nói ở trên, việc lựa chọn phương pháp đầu tư phụ thuộc vào mục tiêu đầu tư, khả năng chấp nhận rủi ro cũng như mong muốn sử dụng cá nhân. Bạn có thể sử dụng một trong hai hoặc kết hợp cả hai cho kế hoạch đầu tư của mình. Ví dụ:
- Sử dụng Top-down trong giai đoạn đầu để tìm kiếm ngành có khả năng tăng trưởng tốt trong tương lai.
- Sau đó chuyển sang chiến lược Bottom-up để lựa chọn công ty nổi bật trong ngành và đầu tư.
Top down Bottom up hay bất kỳ phương pháp phân tích tài chính nào khác được tạo ra nhằm mục đích duy nhất là đem lại hiệu quả đầu tư tốt nhất, không có lựa chọn nào tốt hơn hay kém hơn. Việc nó có phát huy được tác dụng hay không còn tùy thuộc vào khả năng ứng dụng của nhà đầu tư. Vì vậy, các nhà đầu tư hãy tìm hiểu kỹ lưỡng và có chiến lược áp dụng phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.