Mục Lục
Nếu nói về một hình thức lừa đảo “khét tiếng” nhất hiện nay, ắt hẳn nhiều người sẽ nhắc đến Ponzi – mô hình đầy tai tiếng không chỉ riêng Việt Nam mà còn trên thế giới. Vậy Ponzi là gì và làm thế nào để nhận biết mô hình này trong lĩnh vực tài chính?
Mô hình Ponzi là gì?
Hiểu một cách đơn giản, mô hình Ponzi là trò vay tiền người này để trả nợ cho người khác. Theo đó, điểm mấu chốt của mô hình này là người đi vay sẽ tìm cách “dụ dỗ” những người cho vay sau – các nhà đầu tư về lợi tức hấp dẫn để họ tham gia vào hệ thống (nhưng trên thực tế, tiền đầu tư của người đi sau sẽ được dùng để trả lãi cho người đầu tư trước). Nếu không có người đầu tư mới, hệ thống này sẽ dễ dàng sụp đổ do áp lực trả lãi lớn hơn nguồn tiền đầu tư thu vào.
Ví dụ, B đi vay A một khoản vay nhỏ và cam kết trả lãi suất cao. Sau đó, B tiếp tục đi vay C và cũng đưa ra lời cam kết tương tự. Số tiền B vay của C sẽ được dùng để trả lãi cho A. Cứ như thế, B tiếp tục thực hiện với những người khác và mô hình Ponzi đã được thiết lập.
Trên thực tế, mô hình Ponzi không hề có lợi nhuận do làm ăn thực tế sinh ra mà chỉ đơn giản là tiền của người này đắp qua người kia. Và khi hệ thống sụp đổ, kẻ đứng đầu hệ thống sẽ biến mất, còn các nhà đầu tư chỉ biết “khóc ròng”. Vậy, làm thế nào để biết được mình có đang đầu tư vào mô hình Ponzi hay không?
Cách nhận biết mô hình Ponzi
Là một nhà đầu tư sáng suốt, chỉ cần nhìn vào 7 dấu hiệu dưới đây là bạn đã có thể biết được liệu mình có đang tham gia (hoặc được mời gọi tham gia) mô hình Ponzi hay không.
Cam kết siêu lợi nhuận
Như đã nói ở trên, trong mô hình Ponzi, kẻ đi vay sẽ đưa ra những lời cam kết về lợi tức cao hoặc siêu lợi nhuận nhằm đánh vào lòng tham của các nhà đầu tư và quyết định tham gia và hệ thống. Theo lời cam kết, lợi nhuận đầu tư có thể lên đến vài chục hoặc vài trăm phần trăm chỉ trong thời gian ngắn (thường là 1 tháng hoặc 1 năm).
Trên thực tế, không có một hệ thống hợp pháp nào dám cam kết với nhà đầu tư như thế. Chỉ có các hệ thống phi pháp mới có thể cho các nhà đầu tư ăn “bánh vẽ” để thu hút họ tham gia. Càng nhiều nhà đầu tư, mô hình Ponzi sẽ càng được mở rộng, “bánh vẽ” sẽ càng to.
Luôn có lợi nhuận mà không cần quan tâm đến thị trường
Không chỉ cam kết về lợi nhuận cao, kẻ đứng đầu hệ thống còn hứa hẹn sẽ luôn có lãi cho các nhà đầu tư bất kể thị trường biến động như thế nào. Trong thời gian đầu, mọi thứ sẽ có thể theo đúng quỹ đạo. Song, nếu vào thời điểm nào đó, số lượng người đầu tư giảm xuống, nguồn tiền thu ít đi thì mô hình sẽ sụp đổ.
Hoa hồng giới thiệu cao
Để mở rộng mô hình Ponzi, kẻ đứng sau hệ thống sẽ đưa ra mức thưởng hoa hồng cao, có thể lên đến vài chục phần trăm dành cho những người đầu tư giới thiệu thêm người tham gia. Nhờ vào hình thức này, các dự án lừa đảo mô hình Ponzi nhanh chóng có được số lượng lớn người tham gia chỉ trong một thời gian ngắn.
Hình thức hoạt động/chiến lược đầu tư khá phức tạp
Kẻ lừa đảo theo mô hình Ponzi thường xây dựng hình thức hoạt động phức tạp hoặc mô tả các chiến lược đầu tư khá rắc rối nhằm tạo độ uy tín cho những người còn non kinh nghiệm.
Không có giấy phép đăng ký với cơ quan có thẩm quyền
Rất rõ ràng! Những mô hình hoạt động theo kiểu lừa đảo như Ponzi thường chỉ lợi dụng các nhà đầu tư mà không có hoạt động mục đích hay kế hoạch phát triển rõ ràng. Thậm chí, người đứng đầu còn sử dụng ẩn danh. Tuy nhiên, để lấy niềm tin của các nhà đầu tư, những kẻ hoạt động trong hệ thống sẽ chuẩn bị các giấy tờ giả hoặc lấy tên cơ quan quản lý ở nước ngoài. Việc làm này sẽ khiến các nhà đầu tư khó tra cứu thông tin hoặc khi phát hiện bị lừa thì cũng không có cách nào để khai báo với các cơ quan chức năng.
Để tránh bị rơi vào bẫy, các nhà đầu tư có thể lên website của cơ quan chức năng và tra cứu thông tin doanh nghiệp để biết được những giấy tờ, giấy phép đăng ký kia có giá trị hay không.
Khó rút tiền
Số tiền của nhà đầu tư khi vô tình tham gia vào mô hình Ponzi đã được sử dụng để trả lãi cho người tham gia trước. Vì vậy, sẽ rất khó để họ có thể rút tiền ra được, trừ khi kêu gọi thêm những người mới hoặc chờ đợi có những người đầu tư sau.
Kết
Có thể thấy, mô hình Ponzi chủ yếu đánh vào lòng tham về lợi nhuận của các nhà đầu tư. Và khi mô hình này không thể tiếp tục hoạt động thì người chịu thiệt vẫn là người tham gia. Vì vậy, khi quyết định tham gia vào một dự án nào đó, bạn cần tỉnh táo và không nên mạo hiểm rót vốn bởi biết đâu, số tiền của bạn một ngày nào đó sẽ “bốc hơi” mà không để lại dấu vết.