Các khó khăn trong ngành Bất Động Sản được quan tâm và tháo gỡ hơn. Đầu tư công được đẩy mạnh; gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng cho Chương trình phục hồi phát triển kinh tế được thông qua, đây là những yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản dần phục hồi và phát triển lành mạnh…
Sản phẩm bình dân chiếm sóng
Trong bối cảnh khó để kỳ vọng vào một bức tranh quá tươi sáng giai đoạn đầu năm 2023, bởi yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, cũng như môi trường ngành còn nhiều bất ổn, thị trường BĐS sẽ tiếp tục đối mặt với mức thanh khoản trung bình – thấp, khó có những đột biến trong ngắn hạn. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục chứng kiến đợt thanh lọc, tái cấu trúc diễn ra cả ở DN và sàn môi giới BĐS để thích nghi với điều kiện mới. Nhưng xu hướng của thị trường trong năm 2023 sẽ tập trung sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu thực thuộc phân khúc bình dân, vừa túi tiền.
“Đã đầu tư BĐS, thì không thể thấy thị trường đi xuống mà rời cuộc chơi. Thực tế, giá BĐS tăng giá liên tục từ năm 2014 tới nay khiến nhiều người không nỡ rời bỏ thị trường. Bản thân tôi thời gian qua cũng dùng 20 – 30% tiền mặt để mua những sản phẩm giá rẻ, vị trí tốt. Tôi gọi chung là “BĐS sản dinh dưỡng” với các tiêu chí ngon – bổ – rẻ. Tôi cho rằng với sự dư thừa sản phẩm cao cấp, cùng với chính sách của Nhà nước hỗ trợ NƠXH, thì sang năm 2023 phân khúc nhà ở bình dân, vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu thực sẽ chiếm sóng thị trường” – chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang nhận định.
Theo đánh giá, năm 2023 mặc dù thị trường BĐS tiếp tục khó khăn về nguồn cung bởi những ảnh hưởng về nguồn vốn, pháp lý, siết chặt tín dụng. Cả DN và người mua đều bị hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay, thậm chí tính đa dạng dòng sản phẩm cũng khiến nhà đầu tư cân nhắc. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng cao khiến giá đất bị đẩy lên, tạo ra tâm lý e ngại cho nhà đầu tư. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước.
“Sau giai đoạn khó khăn kéo dài, thị trường có nhiều tín hiệu tích cực xét cả về điều kiện kinh tế vĩ mô, chuyển dịch đầu tư và thể chế quản lý. Đó chính là tiền đề quan trọng có thể giúp thị trường lấy lại niềm tin của người mua, nhà đầu tư. Sau một giai đoạn sàng lọc, những nhà đầu tư yếu kém bị đẩy khỏi cuộc chơi. Các chủ đầu tư sẽ hướng sự tập trung vào dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực sẽ ít bị ảnh hưởng nhất” – chuyên gia BĐS Nguyễn Văn Đực phân tích.
Trông chờ vào “điểm sáng”
Nhìn nhận thực tế, thị trường BĐS năm 2022 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, giá tăng cao, sức mua giảm và có dấu hiệu chững lại. Song, kịch bản rơi vào giai đoạn “đáy” như 10 năm trước đã không xảy ra. Đây là hệ quả của những chính sách hợp lý về tài khóa được Chính phủ áp dụng trong quá trình kiềm chế lạm phát và phục hồi thị trường BĐS, giúp thị trường thanh lọc, phát triển lành mạnh hơn trong năm mới. Hầu hết các chuyên gia đều lạc quan rằng, sức sống của DN Việt Nam rất mạnh, linh hoạt nên khó khăn đến đâu, sẽ có phương án tái cấu trúc, tái cơ cấu để giảm chi phí, kinh doanh hiệu quả. Những nỗ lực của Chính phủ đã giúp thị trường bước vào đợt thanh lọc mạnh mẽ. Thời gian tới với động lực từ dòng vốn ngoại, các chính sách điều tiết bình ổn của Chính phủ, sẽ giúp thị trường dần hồi phục, tăng trưởng trở lại.
“Năm 2023 đang kỳ vọng vào sự ổn định tình hình kinh tế vĩ mô trong nước. Những nút thắt pháp lý, vấn đề liên quan đến trái phiếu BĐS cũng dần được khắc phục; dòng tiền “bắt đáy” được kích hoạt, sẽ tăng cường cơ hội đầu tư tiềm năng sinh lời cao trong tầm nhìn trung – dài hạn.” – Phó Giám đốc R&D DKRA Group Võ Hồng Thắng nhìn nhận.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS Eco Real Nguyễn Tấn Việt cũng cho rằng, thời gian qua, thị trường nhiều biến động nhưng tạo ra tính thanh lọc cao. DN BĐS bước vào năm 2023 với tâm thế hoàn toàn khác, ngoài câu chuyện về sản phẩm, nhận định thị trường, DN còn kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng, chiến lược.